62 người đang online
°

Một số nội dung cơ bản của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP

Đăng ngày 11 - 09 - 2017
Lượt xem: 481
100%

 

    1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
    Nghị định quy định về phạm vi, nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam và quản lý nhà nước về hoạt động hòa giải thương mại.
    Việc các bên tranh chấp tự hòa giải hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không phải là hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam quy định tại Nghị  định này làm trung gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định pháp luật, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
    Nghị định áp dụng đối với hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về hòa giải thương mại và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động hòa giải thương mại.
    2. Phạm vi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại:
    - Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
    - Tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
    - Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.
    3. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại:
    Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.
    4. Chính sách của Nhà nước về hòa giải thương mại:
    Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại và các tranh chấp khác mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại và khuyến khích huy động các nguồn lực tham gia hoạt động hòa giải thương mại, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hòa giải viên thương mại tổ chức hòa giải thương mại.
    5. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại
Tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.
    6.Tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại
    Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan; Có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên; Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan.
    Hòa giải viên thương mại được thực hiện hòa giải thương mại với tư cách là hòa giải viên thương mại vụ việc hoặc hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức hòa giải thương mại có thể quy định tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại của tổ chức mình cao hơn các tiêu chuẩn quy định trên.
Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì không được làm hòa giải viên thương mại.
    7. Đăng ký hòa giải viên thương mại vụ việc 
    Người có đủ tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại muốn trở thành hòa giải viên thương mại vụ việc đăng ký tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó thường trú. Trường hợp người đề nghị đăng ký là người nước ngoài thì đăng ký tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó tạm trú. Hồ sơ bao gồm: Giấy đề nghị đăng ký làm hòa giải viên thương mại vụ việc theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành; Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng sau đại học; Giấy tờ chứng minh đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc.
    8. Quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên thương mại
    - Quyền: Chấp nhận hoặc từ chối thực hiện hoạt động hòa giải thương mại; Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến vụ tranh chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật; Được hưởng thù lao từ việc thực hiện hoạt động hòa giải thương mại theo thỏa thuận với các bên tranh chấp; Các quyền khác theo quy định của Nghị định này và của pháp luật có liên quan.
    - Nghĩa vụ: Tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử của hòa giải viên thương mại; độc lập, vô tư, khách quan, trung thực; Tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm pháp luật và không trái đạo đức xã hội; Bảo vệ bí mật thông tin về vụ tranh chấp mà mình tham gia hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật; Thông báo cho các bên về thẩm quyền, thù lao và chi phí trước khi tiến hành hòa giải; Không được đồng thời đảm nhiệm vai trò đại diện hay tư vấn cho một trong các bên, không được đồng thời là trọng tài viên đối với cùng vụ tranh chấp đang hoặc đã tiến hành hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; Các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định này và của pháp luật có liên quan.
    9. Những hành vi bị cấm đối với hòa giải viên thương mại
    Cấm tiết lộ thông tin về vụ việc, khách hàng mà mình biết được trong quá trình hòa giải, trừ trường hợp được các bên tranh chấp đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; Vi phạm quy tắc đạo đức hòa giải viên thương mại; Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ các bên ngoài khoản thù lao và chi phí  đã thỏa thuận và các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
    11. Trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải
    Các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận. Tranh chấp có thể do một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại tiến hành theo thỏa thuận của các bên. Tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hòa giải, hòa giải viên thương mại đều có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp. Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.
    12. Thủ tục thành lập Trung tâm hòa giải thương mại
    Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại quy định tại Nghị định này muốn thành lập Trung tâm hòa giải thương mại gửi 01 bộ hồ sơ đến Bộ Tư pháp. Hồ sơ bao gồm: Giấy đề nghị thành lập Trung tâm hòa giải thương mại theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành; Danh sách sáng lập viên; Giấy tờ chứng minh sáng lập viên đủ tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại; Dự thảo Quy tắc hòa giải của Trung tâm. Nội dung của Quy tắc hòa giải của Trung tâm không được trái quy định của pháp luật.
    13. Đăng ký hoạt động Trung tâm hòa giải thương mại
    Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định cấp Giấy phép thành lập của Trung tâm hòa giải thương mại có hiệu lực, Trung tâm gửi hồ sơ đăng ký hoạt động đến Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đặt trụ sở. Hết thời hạn này, nếu Trung tâm hòa giải thương mại không đăng ký hoạt động thì Giấy phép thành lập không còn giá trị, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
    Hồ sơ gồm: Giấy đề nghị đăng ký hoạt động theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành; Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu Giấy phép thành lập Trung tâm; Giấy tờ chứng minh về trụ sở của Trung tâm.
    14. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức hòa giải thương mại
    - Quyền: Thực hiện hoạt động hòa giải thương mại; Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên thương mại; Thu thù lao và các khoản thu hợp pháp khác có liên quan đến hoạt động hòa giải thương mại; Xây dựng tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại và quy trình xét chọn, lập danh sách, xóa tên hòa giải viên thương mại trong danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức mình; Chỉ định hòa giải viên thương mại theo yêu cầu của các bên; Các quyền khác theo quy định Nghị định này và pháp luật có liên quan.
    - Nghĩa vụ: Lập, công bố danh sách hòa giải viên thương mại, gửi danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức mình cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hòa giải thương mại đăng ký hoạt động; Trả thù lao và các chi phí khác cho hòa giải viên thương mại; Ban hành quy tắc đạo đức và ứng xử của hòa giải viên thương mại; Xây dựng, ban hành và công bố công khai Quy tắc hòa giải, mức thù lao hòa giải; Báo cáo Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký hoạt động về tổ chức, hoạt động định kỳ hằng năm và khi có yêu cầu; Lưu trữ hồ sơ, cung cấp thông tin về kết quả hòa giải theo yêu cầu của các bên tranh chấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Các nghĩa vụ khác theo quy định Nghị định này và pháp luật có liên quan./.

Tin liên quan

Tin mới nhất

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH MIỄN, GIẢM THUẾ NHẰM HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, NGƯỜI DÂN CHỊU TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH...(10/01/2022 8:51 SA)

Những quy định mới đáng lưu ý từ năm 2018(17/01/2018 10:44 CH)