66 người đang online
°

HỎI – ĐÁP VỀ LUẬT PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Đăng ngày 16 - 03 - 2020
Lượt xem: 222
100%

 

    I. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM:
    1. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm được Quốc hội nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2008. 
    2. Về bố cục: Luật có 6 chương, 64 điều. 
    3. Nội dung cơ bản của Luật: 
    Chương I: Những quy định chung (có 08 điều, từ Điều 1 đến Điều 8).
    Quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Phân loại bệnh truyền nhiễm; Nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm và những hành vi bị nghiêm cấm. 
    Chương II: Phòng bệnh truyền nhiễm (có 26 điều, từ Điều 9 đến Điều 34).
    Quy định về Phòng bệnh truyền nhiễm gồm: Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm; Giám sát bệnh truyền nhiễm; An toàn sinh học trong xét nghiệm; Phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 
    Chương III: Kiểm dịch y tế biên giới (có 03 điều, từ Điều 35 đến Điều 37).
    Quy định về đối tượng và địa điểm kiểm dịch y tế biên giới, nội dung kiểm dịch y tế biên giới và trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm dịch y tế biên giới. 
    Nội dung của chương này tập trung vào một số quy định nhằm ngăn chặn nguồn bệnh truyền nhiễm lây từ nước ngoài vào Việt Nam như bắt buộc khai báo y tế đối với tất cả các hành khách xuất cảnh, nhập cảnh, hàng hóa, phương tiện vận tải nhập khẩu, quá cảnh Việt Nam; Kiểm tra y tế đối với các trường hợp đối tượng xuất phát hoặc đi qua vùng có bệnh hoặc có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm phải kiểm dịch và xử lý y tế được thực hiện khi đã tiến hành kiểm tra y tế và phát hiện đối tượng phải kiểm dịch y tế có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm phải kiểm dịch. 
    Chương IV: Chống dịch (có 19 điều, từ Điều 38 đến Điều 56).
    Quy định về Công bố dịch; Ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch;  Các biện pháp chống dịch.
Chương V: Các điều kiện bảo đảm để thực hiện phòng, chống bệnh truyền nhiễm (có 06 điều, từ Điều 57 đến Điều 62).
    Chương này bao gồm các quy định về cơ sở phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Chế độ đối với người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và người tham gia chống dịch; Kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Dự trữ quốc gia cho phòng, chống dịch và quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch. 
    Nội dung của chương trình này tập trung vào việc quy định về các nguồn lực nhằm bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các chế độ, chính sách đối với người làm công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm... đặc biệt là quy xem xét để công nhận là liệt sỹ hoặc thương binh, hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đối với trường hợp dũng cảm cứu người trong khi tham gia chống dịch mà chết hoặc bị thương.
    Chương VI: Điều khoản thi hành (có 02 điều, từ Điều 63 đến Điều 64).
    Quy định hiệu lực thi hành và giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này. 
    II. HỎI – ĐÁP QUY ĐỊNH VỀ XỬ LÝ HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH

    1/ Hỏi: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm những bệnh nào?
    Đáp: Theo điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
    Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh;
    2/ Hỏi: Các nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm được quy định như thế nào? 
    Đáp: Điều 4 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định gồm các nguyên tắc sau đây:  
    - Lấy phòng bệnh là chính trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
    - Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. 
    - Công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch. 
    - Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch.
    3/ Hỏi: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nghiêm cấm những hành vi nào?
     Đáp: Điều 8 Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nghiêm cấm các hành vi sau đây: 
    - Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. 
    - Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
    - Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
    - Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.
    - Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
    - Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.
    - Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. 
    4/ Hỏi: Ai là đối tượng của thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm?
    Đáp: Theo Điều 10 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì mọi người đều được tiếp cận với thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, những người trong gia đình họ và các đối tượng trong vùng dịch, vùng có nguy cơ dịch được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.  
    5/ Hỏi: Khai báo bệnh dịch được thực hiện như thế nào?
    Đáp: Khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch (Khoản 1 Điều 47 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm). 
    6/ Hỏi: Hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bị xử lý như thế nào? 
    Đáp: Người có hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. 
    7/ Hỏi: Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm đối với những hành vi nào? 
    Đáp: Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
    - Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. 
    - Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 
    8/ Hỏi: Người có hành vi không khai báo y tế làm lây lan dịch bệnh Covid-19 sẽ bị xử phạt theo những quy định nào? 
    Đáp: Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Covid-19 là dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, có 7 nhóm hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8 của Luật này. Cụ thể: 
    - Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
    - Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
    - Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
    - Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.
    - Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
    - Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.
    - Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. 
    Chiếu theo quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và Bộ luật Hình sự năm 2015 thì các nhóm trên bị xử lý như sau:
    - Bị xử phạt theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP; 
    - Bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt tù đến 12 năm.   
    9/ Hỏi: Người làm lây lan dịch bệnh cho người khác ở mức độ phải chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt như thế nào? 
    Đáp: Người làm lây lan dịch bệnh cho người khác ở mức độ phải chịu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi đó tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm sẽ bị xử phạt theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt tù đến 12 năm.  
    10/ Hỏi: Hành vi thông tin sai sự thật có bị pháp luật nghiêm cấm?
    Đáp: Điểm d Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
    11/ Hỏi: Người cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp sẽ bị xử phạt theo những quy định nào? 
    Đáp: Theo quy định của pháp luật thì người cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (Ngày 03/2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; có hiệu lực thi hành từ 15/4/2020 và thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP) và Bộ luật Hình sự năm 2015. 
    12/ Hỏi: Hành vi  đưa thông tin không đúng tình hình dịch bệnh trên mạng Internet có thể bị truy tố theo quy định nào của Bộ luật Hình sự?
    Đáp: Hành vi  đưa thông tin không đúng tình hình dịch bệnh trên mạng Internet có thể bị truy tố theo Điều 288 của Bộ luật Hình sự:
    “Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông
    1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
    a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;
    b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
    c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
    a) Có tổ chức;
    b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;
    c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
    d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;
    đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;
    e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;
    g) Dẫn đến biểu tình.
    3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.
(Hỏi - đáp)

Tin liên quan

Tin mới nhất

KẾ HOẠCH Hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Ninh Thuận năm 2023(13/01/2023 2:45 CH)

Sở Khoa học và Công nghệ: Kế hoạch phát động phong trào thi đua phổ biến, giáo dục pháp luật và...(10/01/2023 8:20 SA)

Báo cáo Kết quả thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở...(06/01/2023 8:41 SA)