48 người đang online
°

TIỂU PHẨM Chuyện láng giềng

Đăng ngày 14 - 01 - 2019
Lượt xem: 1.309
100%

Nhân vật:    - Ông  B     - Ông X (hàng xóm)     

 

    Ông B: lại tỉa tót gì đấy hả ông X?
    Ông X: vâng, chả mấy khi ông qua chơi, mời ông vào uống nước! Hôm nay rảnh rỗi lại thấy cái cây này cành, lá mọc không theo “lề lối” gì hết nên tiện tay tỉa tót chút cho gọn ông ạ. (Nói rồi ông X thả kéo cắt tỉa cành xuống, rót nước trà vào lý mời ông B). 
    Ông B: à … ờ …, nói thật với anh. Nay tôi sang là để xin lỗi vợ chồng anh: tuần trước vợ tôi không hiểu chuyện, đã có lời lẽ không đúng, liên quan đến ranh giới khu đất của hai nhà. Đất nhà tôi và nhà ông sử dụng ổn định từ trước đến nay, có giấy tờ giao đất của cơ quan nhà nước đàng hoàng, bà vợ tôi rảnh rỗi, ngó ngó, nhìn nhìn sao mà nói bừa thế không biết nữa. Hôm ấy tôi đi Sài Gòn có công chuyện, về nghe kể, bực bội nên la bà ấy một trận. Giờ bà ấy hiểu chuyện rồi, nói tôi sang ông chứ bà ấy ngại. Thôi, ông nói “chị nhà” thông cảm và bỏ qua cho bà ấy nhé!??!!
    Ông X: ông nói thế thì tôi cũng vui rồi. Mình là hàng xóm láng giềng nhiều năm nay, tối lửa tắt đèn có nhau. Hôm chị ấy nói, tôi cũng không ý kiến gì vì không có ông ở nhà. Ông nói với chị ấy, không phải lăn tăn gì đâu nhé!
    Ông B: Cảm ơn ông! 
    À này, tôi nhớ cách đây không lâu có nghe ông nói là sẽ làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà ông, thế ông đã làm chưa, chia sẻ kinh nghiệm cho tôi với!?!?
    (Thở dài) Chả giấu gì ông, hồi sáng tôi có lên UBND xã để hỏi về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 140m2 đất ở cho nhà tôi thì được biết là theo quy định, ngoài việc thực hiện theo thủ tục thì tôi cần chuẩn bị tiền để thực hiện nghĩa vụ tài chính gì đó nữa, ông ạ.
    Ông X: à, vừa rồi tôi có làm hồ sơ và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi; mà tôi chỉ phải nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất thôi.
    (Suy nghĩ) Tôi cũng chưa hiểu vì sao xã người ta trả lời ông thế, nhưng theo tôi được biết thì pháp luật có quy định rõ trường hợp nào khi đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải nộp tiền sử dụng đất, nhưng cũng có trường hợp không phải nộp hoặc được giảm, miễn nộp đấy. 
    Ông B: sao ông biết hay vậy?
    Ông X: (cười) UBND xã vừa ban hành Quyết định thành lập Tổ tư vấn pháp luật cộng đồng, tôi được mời làm thành viên trong Tổ ấy nên cũng có biết sơ sơ, ông ạ. 
    Ông B: thì ra là vậy. Tôi thì tôi lăn tăn qua giờ là có lý do cả đấy ông ạ. Ông nhớ không, đất của tôi và ông đều được nhà nước cấp và sử dụng ổn định từ năm 1992 đến nay. Vậy sao lại có chuyện người phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, người không. Tôi thấy vô lý quá!
Ông X: uhm…, ông nên đến xã để hỏi lại cho rõ, có thể do người ta chưa xem kỹ trường hợp của ông nên trả lời vội vàng như thế cũng nên. 
    Bây giờ thế này, ngày mai đã là thứ 7 rồi… Thôi, ông đợi đến thứ 3 lên UBND xã một lần nữa. Ngày thứ 3 tuần tới Chủ tịch UBND xã có lịch tiếp công dân tại trụ sở nguyên ngày đấy ông, ông tranh thủ thời gian, sắp xếp đến để được gặp và hỏi trực tiếp cho rõ, chứ cứ lăn tăn, khúc mắc mà không được giải đáp cụ thể lại khó chịu trong người.
    Ông B: ơ …, ông này nắm bắt thông tin ở đâu mà biết hay vậy?!!??
    Ông X: Hôm qua lên xã họp Tổ, tôi có nghe cán bộ trong xã nói là thực hiện quy định về tiếp công dân, hàng tuần, Chủ tịch xã bố trí 01 ngày để tiếp công dân, thông qua đó, để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tổ cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật. UBND xã đã ban hành cả Nội quy tiếp công dân và bố trí địa điểm tiếp công dân hẳn hoi mà ông.
    Ông B: uhm… thì ra là vậy. 
    Ông X: À này, khi đi ông nhớ mang  theo giấy tờ liên quan mảnh đất đã được nhà nước cấp, phòng khi cán bộ người ta hỏi. Mình già rồi, lúc nhớ nhớ, quên quên cũng là lẽ thường, nhưng đến cơ quan nhà nước, khi người ta hỏi, mình có giấy tờ chứng minh thì cũng thuận tiện cho người ta khi xem xét và trả lời, ông ạ.
    Ông B: uh, đúng rồi, tôi sẽ về lục lại và mang theo cho chắc ăn. Cảm ơn ông. Thôi tôi không làm phiền ông nữa, chào ông tôi về.
    Ông X: ông về thông thả!
    * Chuyển cảnh người dẫn 1 và 2:
    Người dẫn 1: Anh thấy trong câu chuyện giữa ông B và ông X vừa rồi, ông X nói có đúng không vậy. Tôi thì thấy có vẻ không hợp lý, sao lại có chuyện hai người được cấp đất trong một thời điểm, đất sử dụng như nhau, không có tranh chấp, mà khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một người chỉ phải nộp tiền lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất, một người lại được trả lời phải thực hiện nghĩa vụ tài chính gì gì đó nữa?!!??
    Người dẫn 2: cũng chưa hẳn không hợp lý anh ạ. Theo quy định pháp luật về đất đai, khi làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tùy vào từng trường hợp cụ thể, sẽ có trường hợp phải nộp tiền, có trường hợp được miễn, giảm ông ạ. Trong tình huống này, tôi giả sử ông B là người có công với cách mạng hay là hộ nghèo thì có còn khi không phải nộp cả lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất luôn đấy. 
    Vấn đề là, có thể khi ông B lên xã hỏi nhưng không mang theo giấy tờ đầy đủ để làm căn cứ, cán bộ xã lại không hỏi đầy đủ, rõ ràng nên trả lời qua loa, đại khái thế cũng nên.
    Người dẫn 1: sao anh nói tôi nghe cứ như rành quy định pháp luật lắm ấy nhỉ!??!
    Người dẫn 2: (cười) Có gì to tát đâu anh. Cuối tuần rảnh rỗi, tôi thường đến quán cà phê Zen (là nơi giao lưu pháp luật theo Đề án thực hiện mô hình “Cà phê giao lưu pháp luật” đã được UBND tỉnh ta phê duyệt). Ở đó, tôi cũng từng tham gia hoặc chí ít là được nghe các anh, chị, em là hội viên thuộc Hội hoặc Chi hội Luật gia trao đổi, bàn luận về những quy định của pháp luật, trong đó có cả các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai nên có biết đôi chút vậy thôi. 
    Người dẫn 1: uhm … thì ra là vậy, thế thì chúng ta thử xem diễn biến câu chuyện tiếp theo như thế nào nhé!
    (Bốn ngày sau) …
    * Chuyển cảnh trụ sở UBND xã: tại phòng tiếp dân, anh Đ - Chủ tịch UBND xã trực tiếp tiếp ông B.
    Anh Đ: dạ, mời bác uống nước! 
    Vừa rồi cháu có nghe chuyện nhà bác và nhà chú X có cãi vã về ranh giới đất giữa hai nhà. Sự việc cũng đã được hai nhà tự giải quyết ổn thỏa rồi phải không bác. 
    Bác biết không, xã ta là một trong 03 xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới; chính vì vậy, cấp ủy và chính quyền địa phương rất quan tâm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các tiêu chí, trong đó có tiêu chí về quốc phòng - an ninh, đó là: xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên: không có khiếu kiện đông người kéo dài; không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội được kiềm chế, giảm liên tục so với các năm trước. Do vậy, chính quyền địa phương rất quan tâm trong việc giải quyết ổn thỏa hoặc hạn chế đến mức thấp nhất các tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện, … làm mất an ninh, trật tự tại địa phương đó bác.
    Thế… hôm nay bác đến đây là có việc gì cần thắc mắc hay phản ánh ạ?
    Ông B: (uống một ngụm nước). Để không làm mất thời gian của anh, tôi xin hỏi luôn; chả là thế này, tôi có 140m2 đất ở nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tuần trước tôi có lên đây để hỏi về thủ tục thì được cho biết là theo quy định, ngoài việc thực hiện theo thủ tục thì tôi cần chuẩn bị tiền để thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trong khi, ông X (hàng xóm) cũng đã làm thủ tục đề nghị cấp giấy này thì lại không phải nộp khoản tiền này. Tôi không biết lý do vì sao lại có sự khác nhau như vậy nên cứ lăn tăn, thắc mắc mấy hôm nay, anh ạ?
    Anh Đ: à vâng, thực ra đối với thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì tùy vào từng trường hợp cụ thể bác ạ. Có trường hợp không phải nộp tiền sử dụng đất, cũng có trường hợp phải nộp và cũng có trường hợp giảm hay miễn nộp tiền sử dụng đất nữa bác ạ. 
    Ông B: à, việc này thì tôi cũng có nghe hàng xóm của tôi nói với tôi rồi, nhưng vấn đề là tôi không hiểu trong trường hợp nào thì phải nộp, trong trường hợp nào thì không phải nộp, quy định miễn hoặc giảm như thế nào. Nhất là đối với trường hợp của tôi. Tôi “chưa thông” lắm anh ạ!
    Anh Đ: vâng. Đất của bác sử dụng đã lâu chưa ạ? Bác có thể nói cho cháu biết thêm về nguồn gốc đất bác muốn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?
    Ông B: báo với anh là đất này nhà tôi được nhà nước giao năm 1992 (ông đưa giấy tờ về quyền được sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền cấp cho anh Đ), gia đình tôi sử dụng đất ổn định, đã xây nhà ở và từ trước đến giờ đều không có tranh chấp.
    Anh Đ: dạ, mời bác uống nước (anh Đ đọc giấy tờ do ông B cung cấp …)
    Thưa bác, theo thông tin bác đã trao đổi và giấy tờ bác vừa cung cấp thì với trường hợp của bác, khi làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng  đất sẽ không phải nộp tiền sử dụng đất đâu ạ. Bác đợi cháu một lát nhé! (Nói xong, anh Đ ra khỏi phòng và ngay sau đó quay trở lại với một quyền sách trên tay)
    Đây ạ (vừa nói, anh Đ vừa giở sách), Điều 100 Luật đất đai năm 2013 quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất: hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ theo quy định thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất. Và một trong các loại giấy tờ theo quy định là: có những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 
    Như vậy, căn cứ vào giấy tờ bác đã cung cấp và đối chiếu với quy định nêu trên, đã có thể xác định: đối với trường hợp của bác là không phải nộp tiền sử dụng đất khi đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Nhưng khi thực hiện thủ tục, bác vẫn phải nộp một khoản tiền, đó là lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất. Mức lệ phí này thì cũng tùy đối tượng và địa bàn mà có mức thu khác nhau, nhưng bác cứ yên tâm, mức cao nhất đối với hộ gia đình, cá nhân ở xã chỉ 40.000đ thôi ạ.
    Thông tin thêm với bác là cũng cùng trường hợp như bác, nhưng nếu không có các giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền trước đây cấp hay một trong những giấy tờ khác được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 100 Luật đất đai thì khi hộ gia đình, cá nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà tại thời điểm bắt đầu sử dụng đất không có một trong các hành vi vi phạm theo quy định của Chính phủ, nếu được cấp Giấy chứng nhận thì thu tiền sử dụng đất. Số tiền phải nộp như thế nào thì sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành để tính toán chính xác và yêu cầu người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính bác ạ.
    Ông B: ôi thế thì mừng quá. Nói thật với anh là tôi cũng lo, vì điều kiện kinh tế nhà tôi cũng không dư dả lắm, nghe nói tới phải nộp tiền gì gì đó mới được cấp giấy chứng nhận, tôi cũng lo lắm, anh ạ!
    Anh Đ: à, nếu cháu nhớ không nhầm thì hình như bác là đối tượng người có công đúng không ạ?
    Ông B: à vâng, đúng rồi anh. Sao vậy anh?
    Anh Đ: dạ không có gì. Nếu bác là người có công với cách mạng thì theo quy định, bác được miễn nộp lệ phí này đấy ạ. Bác cứ về làm thủ tục, giấy tờ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gửi đến cơ quan chức năng để đề nghị giải quyết nhé.
Ông B: ôi thế thì cảm ơn anh. Nhờ được gặp anh mà tôi hiểu thêm được nhiều rồi đấy. Chào anh, tôi về.
    Anh Đ: vâng, chào bác ạ!
    * Chuyển cảnh người dẫn 1 và 2:
    Người dẫn 1: ồ, đúng như ông đã nói, xem ra anh Chủ tịch này cũng biết khá rõ về các quy định của pháp luật về lĩnh vực đất đai đấy ông nhỉ!?!
    Người dẫn 2: (cười) đấy là lý do vì sao hiện nay trong các cơ quan nhà nước đang có xu hướng “trẻ hóa cán bộ” đấy anh ạ, những người như anh Chủ tịch xã này mà về đây làm lãnh đạo thì dân mình cũng được nhờ, phải không ông?
    Người dẫn 1: đúng là như thế! 
    Quay trở lại vấn đề nhé, tôi thấy anh Chủ tịch xã giải thích với ông B như thế là hợp tình, hợp lý rồi phải không ông?
    Người dẫn 2: quá chính xác, quá chi tiết, tận tình và chặt chẽ rồi đấy anh ạ. Từ trường hợp này cũng có thể thấy trong các chính sách của nhà nước ta, trong đó có lĩnh vực đất đai, nhà nước ta luôn có những quy định nhằm ghi nhận những đóng góp của các đối tượng là người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh hay chế độ, chính sách ưu tiên đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, … và cả những chính sách nhằm góp phần khuyến khích cho những hộ gia đình, cá nhân trong việc sử dụng đất ổn định, lâu dài mà không phát sinh tranh chấp, giúp họ “an cư” để “lập nghiệp” trên mảnh đất mà họ đã gắn bó lâu dài… 
    Người dẫn 1: uhm. (cười). Ông này trông thế mà am hiểu về pháp luật gớm nhỉ?!!
    Người dẫn 2: am hiểu gì đâu, cuối tuần nếu rảnh rỗi, ông cứ cùng tôi đến quán cà phê Zen, thông qua các cuộc trò chuyện, trao đổi liên quan đến pháp luật và cuộc sống, thậm chí là nếu có thắc mắc ông cũng sẽ được tư vấn, giải đáp tận tình; thể nào ông cũng sẽ cập nhật được thêm nhiều kiến thức pháp luật mới, thế là chúng ta nâng cao tri thức cho bản thân một cách tự nhiên đấy chứ ông. 
    À, mà nếu không sắp xếp được thời gian để đi đến địa điểm ‘Cà phê giao lưu pháp luật’, ông cũng có thể cập nhật kiến thức pháp luật bằng việc xem ti vi tại nhà, trên kênh NTV của Đài truyền hình Ninh Thuận, vào 18 giờ 30 phút thứ năm của tuần thứ 2 hàng tháng, phát sóng chuyên mục ‘Pháp luật và cuộc sống’ và 18 giờ 30 phút chủ nhật hàng tuần phát sóng chuyên mục ‘Hộp thư truyền hình’ đấy. Xem các chương trình này, vừa cập nhật những thông tin liên quan đến các văn bản pháp luật mới, vừa được nghe trả lời thư bạn đọc, trong đó cũng có nhiều nội dung Hỏi - đáp rất sát với tình hình thực tế đấy ông ạ. Ông cũng có thể truy cập vào các trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế Hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, …), mỗi cơ quan đều có chuyên mục Hỏi - đáp pháp luật theo ngành, lĩnh vực họ được giao quản lý. Rồi thì chuyên mục ‘Dân hỏi - Lãnh đạo Sở ngành trả lời’. Tha hồ cho ông cập nhật thông tin. Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, thiếu gì cách để để nhật thông tin cho mình, chủ yếu là bản thân mình muốn hay không thôi.
    Người dẫn 1: tất nhiên rồi, qua sự việc này, tôi hoàn toàn nhất trí theo ông nhé. Bận mấy thì tôi cũng gắng thu xếp để đi cùng ông.
    Người dẫn 2: (cười). Thời mở cửa hội nhập quốc tế, tôi và ông cũng như những người dân khác, cũng phải cố gắng để trở thành “người dân thông thái” chứ ông!!... (Một bài nhạc kết thúc)./.

Tin liên quan

Tin mới nhất

KẾ HOẠCH Hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Ninh Thuận năm 2023(13/01/2023 2:45 CH)

Sở Khoa học và Công nghệ: Kế hoạch phát động phong trào thi đua phổ biến, giáo dục pháp luật và...(10/01/2023 8:20 SA)

Báo cáo Kết quả thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở...(06/01/2023 8:41 SA)