NHỮNG NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

    Trước yêu cầu thực tiễn của công tác giám định tư pháp và đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 10/6/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2021.

    Luật gồm có 02 điều
    I. Phạm vi sửa đổi
    Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật năm 2012 về phạm vi giám định tư pháp; nguyên tắc thực hiện giám định; hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp gắn với cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; tổ chức giám định tư pháp công lập; điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp; công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; quyền và nghĩa vụ của người trưng cầu giám định; quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp khi thực hiện giám định; quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định; trưng cầu giám định; thời hạn giám định; văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định; kết luận giám định; hồ sơ giám định; chi phí giám định; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý (Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) đối với công tác giám định tư pháp; trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với công tác giám định tư pháp; hiệu lực thi hành.
    Luật đã sửa đổi, bổ sung các điều, khoản cụ thể như sau: bổ sung 01 điều mới (Điều 26a về thời hạn giám định); sửa đổi, bổ sung 08 điều (Điều 10; Điều 20; Điều 24; Điều 25; Điều 31; Điều 32; Điều 36; Điều 41); bổ sung 04 khoản; sửa đổi, bổ sung 22 khoản; bổ sung 04 điểm và sửa đổi, bổ sung 09 điểm.
    II. Những nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung
    1. Phạm vi của giám định tư pháp: Để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật tố tụng và đáp ứng nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng, phạm vi giám định tư pháp đã được sửa đổi theo hướng mở rộng đến cả giám định được trưng cầu, thực hiện ngay từ giai đoạn “khởi tố”, thay vì từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự như quy định hiện hành (khoản 1 Điều 2).
2. Bổ sung quy định Hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp gắn với việc cấp, thu thẻ giám định viên tư pháp, với nguyên tắc: người có thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên tư pháp thì thẩm quyền cấp (cấp mới, cấp lại) thẻ giám định viên tư pháp. Cụ thể:
    Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung quy định: “Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì không cần có Phiếu lý lịch tư pháp." (khoản 3 Điều 8). Luật đã bổ sung một số trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp trong trường hợp: (1) có quyết định nghỉ hưu hoặc quyết định thôi việc, trừ trường hợp tiếp tục tham gia hoạt động giám định tư pháp; (2) chuyển đổi vị trí công tác hoặc chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không còn điều kiện thực hiện giám định; (3) theo đề nghị của giám định viên tư pháp, nhưng đối với công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì có sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp; (4) giám định viên tư pháp được bổ nhiệm để thành lập Văn phòng giám định tư pháp nhưng không thành lập Văn phòng hoặc thành lập Văn phòng rồi mà không đăng ký hoạt động (điểm đ, điểm e, điểm g và điểm h khoản 1 Điều 10). Để góp phần bảo đảm điều kiện thuận lợi cho giám định viên trong quá trình hoạt động giám định, nhất là tham gia tố tụng với tư cách là người giám định tư pháp, Luật đã bổ sung quy định về cấp thẻ cho người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp và thu hồi thẻ khi miễn nhiệm.
    3. Bổ sung tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự: Luật đã có quy định về “Phòng giám định hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” (tại khoản 5 Điều 12). Đây là tổ chức giám định tư pháp công lập mới có tính chất đặc thù, được bổ sung vào hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự.
    4. Bổ sung quy định: trong trường hợp đặc biệt, theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì Cơ quan thuộc Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn cấp tỉnh có trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện (quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này) thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố ((khoản 2 Điều 20). Đây là quy định mới nhằm huy động các chuyên gia giỏi ở các cơ quan này tham gia hoạt động giám định tư pháp để góp phần bảo đảm đáp ứng kịp thời, có chất lượng yêu cầu của hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nói chung, án tham nhũng kinh tế nói riêng.
    5. Để bảo đảm điều kiện cho người giám định tư pháp có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định của mình, Luật đã bổ sung quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; người giám định tư pháp khi thực hiện giám định
    6. Để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người trưng cầu giám định tư pháp trong việc trưng cầu giám định và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định của tổ chức, cá nhân được trưng cầu, thực hiện giám định, Luật đã bổ sung, sửa đổi một số nghĩa vụ của người trưng cầu giám định (điểm a, điểm c, điểm đ khoản 2 Điều 21).
    7. Để bảo đảm điều kiện cho tổ chức được trưng cầu hoàn thành tốt nhiệm vụ thực hiện giám định của mình, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp (điểm b khoản 1 Điều 24; điểm a, điểm b, điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 24).
    8. Trưng cầu giám định tư pháp: Nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong trưng cầu và thực hiện giám định trong các vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế, Điều 25 của Luật đã được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt trong đó đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về cơ chế thông tin, phối hợp giữa cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng với cá nhân, tổ chức dự kiến được trưng cầu giám định và cơ quan có liên quan về nội dung trưng cầu, thời hạn giám định, thông tin, tài liệu, mẫu vật cần cho việc giám định và các vấn đề khác có liên quan (nếu có) trước khi ban hành Quyết định trưng cầu (khoản 4).
    9. Thời hạn giám định: Thể chế hóa chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về khắc phục tình trạng vô thời hạn trong hoạt động giám định của một số vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế, quy định về thời hạn giám định đã được bổ sung vào trong Luật tại Điều 26a.
    10. Kết luận giám định: Để khắc phục một số hạn chế về kết luận giám định tư pháp trong thực tiễn hiện nay, quy định về kết luận tại Điều 32 đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu và nguyên tắc mang tính đặc thù của văn bản kết luận giám định phải rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của đối tượng cần giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định; bỏ quy định về chứng thực chữ ký của người giám định theo quy định của pháp luật về chứng thực khi trưng cầu, yêu cầu giám định đích danh cá nhân người giám định; đồng thời, phân định rõ hơn nữa trách nhiệm của người giám định, tổ chức cử người làm giám định trong việc ký, xác nhận chữ ký đối với người giám định trong bản kết luận giám định
    11. Hồ sơ giám định: Để khắc phục một số vướng mắc, khó khăn về hồ sơ giám định, lưu trữ, bảo quản hồ sơ giám định, Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định khoản 2, khoản 3 Điều 33, trong đó quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc quy định chi tiết về mẫu, thành phần hồ sơ từng loại việc giám định và chế độ lưu trữ hồ sơ giám định ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý; tổ chức được trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp trong việc bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định do người giám định thuộc tổ chức mình thực hiện...
    12. Sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với công tác giám định tư pháp (khoản 1, 2 Điều 41; khoản 2, 3 Điều 42; khoản 1 Điều 43), nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý giám định tư pháp, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, quyền hạn quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp.
    13. Để bảo đảm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp cũng như góp phần khắc khục những khó khăn, vướng mắc có liên quan, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã được bổ sung, sửa đổi một số trách nhiệm.
    Để bảo đảm thực thi trên thực tế “quyền có vị trí phù hợp tại phiên tòa” của người giám định tư pháp, Luật đã bổ sung quy định trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao trong việc hướng dẫn về bố trí vị trí phù hợp của người giám định tư pháp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa (khoản 5 Điều 44).
    III. Triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung
    1. Trung ương:
    - Chính phủ ban hành: Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp; Quyết định số 1450/QĐ-TTg ngày 24/9/2020 ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp;
    - Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31/12/2020 quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.
    2. Tỉnh
    - Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 3861/KH-UBND ngày 26/10/2020 triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh;
    - Tham dự Hội nghị trực tuyến triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp, do Bộ Tư pháp tổ chức.
    - Sở Tư pháp  ban hành các văn bản triển khai thực hiện như: Công văn số 2422/STP-NV2 ngày 21/12/2020 về việc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp; Công văn số 719/STP-NV2 ngày 14/4/2021về việc triển khai một số nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp . 
(Đề cương)

Phan Thanh Huy