99 người đang online
°

Ninh Thuận ban hành chính sách thực hiện thí điểm Chương trình “Sữa học đường” trên địa bàn Huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2019 - 2020

Đăng ngày 27 - 05 - 2019
Lượt xem: 101
100%

 

    Tuy nhiên, xuất phát từ hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn ở nhiều gia đình, địa phương nên việc quan tâm, chăm sóc trẻ em còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em. Hiện nay, theo thống kê, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi ở nước ta còn cao, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dinh dưỡng kém ở trẻ em là do tập quán chăm sóc và nuôi dưỡng kém, tỉ lệ trẻ sơ sinh được bú mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu còn thấp, bổ sung sữa vào thực phẩm hằng ngày cho trẻ em còn ít. Chính vì vậy, ngày 30/6/2008, "Quỹ 1 triệu ly sữa cho trẻ em nghèo Việt Nam" đã chính thức được công bố, Quỹ được thành lập bởi Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk); nhằm giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh bất hạnh tại các địa phương trong cả nước có thêm sữa uống nhằm tăng cường chất dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe và thể lực. Đến ngày 08/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường, cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020; theo đó, quy định huy động sự tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đóng góp của gia đình và cộng đồng; sự hỗ trợ của ngân sách địa phương theo khả năng cân đối.
    Với mục đích huy động lực lượng và cộng đồng chăm lo cho thế hệ mầm non, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, để trẻ em có điều kiện đến trường, yên tâm học tập, được thụ hưởng thành quả trong giáo dục; góp phần triển khai có hiệu quả Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp; ngày 14/12/2018, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20/2018/NQ-HĐND, quy định chính sách hỗ trợ thực hiện thí điểm Chương trình Sữa học đường trên địa bàn huyện Bác Ái, giai đoạn 2019-2020; theo đó, từ tháng 01 năm 2019 đến tháng 12 năm 2020, mỗi trẻ đang học tại các trường Phước Chính, Phước Hòa, Phước Bình và Phước Thành thuộc huyện Bác Ái được uống 01 hộp sữa 180ml trong một ngày thực học; từ tháng 9 năm 2019 đến tháng 12 năm 2020, tổ chức thêm cho trẻ đang học tại các trường Phước Đại và Phước Thắng thuộc huyện Bác Ái, mỗi trẻ được uống 01 hộp sữa 180ml trong một ngày thực học; từ tháng 9 năm 2020 đến tháng 12/2020, tổ chức thêm cho trẻ đang học tại các trường Phước Tân, Phước Trung và Phước Tiến thuộc huyện Bác Ái, mỗi trẻ được uống 01 hộp sữa 180ml trong một ngày thực học. Nguồn kinh phí để thực hiện Chương trình từ ngân sách nhà nước (80%) và hỗ trợ từ đơn vị cung cấp sữa (20%).
    Để triển khai có hiệu quả và đảm bảo tính khả thi của Nghị quyết số 20/2018/NQ-HĐND; ngày 20/02/2019, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 54/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 20/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ thí điểm chương trình “Sữa học đường” trên địa bàn huyện Bác Ái, giai đoạn 2019-2020.  Trong đó, quy định 09 nội dung để đảm bảo triển khai thực hiện, đó là: 
    Thứ nhất, kiện toàn, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược quốc gia dinh dưỡng ở các cấp, chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm Chương trình Sữa học đường tại huyện Bác Ái. 
    Thứ hai, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và phụ huynh về tầm quan trọng của Sữa học đường trong việc phòng, chống suy dinh dưỡng, cải thiện tầm vóc, phát triển trí tuệ thế hệ tương lai của thanh thiếu niên trong đó có thanh thiếu niên huyện Bác Ái.
    Thứ ba, chú trọng lựa chọn chất lượng sữa phục vụ Chương trình “Sữa học đường” phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định pháp luật hiện hành; lựa chọn đơn vị cung cấp sữa bằng phương thức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu, việc lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo các tiêu chí (công ty cung cấp sữa cho trẻ uống đạt thương hiệu Việt Nam đã được Bộ Y tế cấp phép đảm bảo hàm lượng đầy đủ các chất dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng và sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với trẻ độ tuổi mầm non; sản xuất loại sữa tiệt trùng có đường hoặc không đường 180ml/hộp, thời gian bảo quản trên 06 tháng; là đơn vị trực tiếp sản xuất sữa đạt tiêu chuẩn ISO 9002; có đủ điều kiện bảo quản sữa tiệt trùng từ 06 tháng trở lên; có kinh nghiệm trong việc cung cấp sữa ở các đơn vị trường học; cam kết bình ổn giá trong từng giai đoạn thực hiện Kế hoạch; hỗ trợ 20% trở lên kinh phí mua sữa của Kế hoạch). Công ty trúng thầu chịu trách nhiệm cung ứng sữa kịp thời theo kế hoạch, không bị gián đoạn hoặc dồn dập; đồng thời bố trí nhân viên vận chuyển sữa đến tận kho của các trường mầm non tham gia Chương trình an toàn.
    Thứ tư, vận chuyển sữa bằng các phương tiện chuyên dùng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo định kỳ 2 tuần/lần và được vận chuyển tới điểm trường chính, các trường bố trí tiếp nhận và chuyển tới từng điểm trường; trong trường hợp ô tô không vào được điểm trường chính thì nhà trường bố trí điểm trường lẻ hoặc sữa được vận chuyển tới Phòng Giáo dục và Đào tạo, sau đó doanh nghiệp cung ứng sữa bố trí phương án chuyển sữa đến điểm trường chính. Nhà trường bố trí tiếp nhận, bảo quản sữa tại nơi sạch sẽ, thoáng mát, an toàn và tối đa không quá 2 tuần cho mỗi đợt.
    Thứ năm, mỗi trẻ được uống sữa 1 lần/ngày thực học, trong 9 tháng của năm học vào giờ nhất định; cụ thể, đối với trẻ học bán trú và 02 buổi/ngày, thời gian uống sữa là từ 14 giờ 00 đến 15 giờ 00; đối với trẻ học 01 buổi/ngày thời gian uống sữa là từ 09 giờ 00 đến 09 giờ 30 (nếu học buổi sáng) hoặc từ 15 giờ 00 đến 15 giờ 30 (nếu học buổi chiều). Giáo viên trước khi bóc hộp sữa cần kiểm tra tình trạng hộp bằng cảm quan (còn nguyên dạng, đảm bảo chất lượng nhà sản xuất). Khi rót sữa ra ly, cần kiểm tra màu sữa bằng cảm quan, đảm bảo là sữa còn trong tình trạng tốt.
    Thứ sáu, vỏ hộp được thu gom ngay sau khi sử dụng. 
    Thứ bảy, tất cả trẻ em tại các trường Mầm non, trường mẫu giáo tham gia Chương trình được khảo sát thể lực thông qua đo chiều cao và cân nặng, kết quả được lưu và đối chiếu, so sánh với lần sau nhằm đánh giá hiệu quả của Chương trình “Sữa học đường” cho từng độ tuổi.
    Thứ tám, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, thực hiện Chương trình.
Thứ chín, nhà trường tổ chức bộ phận giám sát, đánh giá việc triển khai thực hành cho học sinh uống sữa tại các lớp học. 
    Quyết định số 54/QĐ-UBND của UBND tỉnh đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm Chương trình sữa học đường tại huyện Bác Ái; trong đó quy định rõ trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo (là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và huyện Bác Ái tổ chức triển khai thực hiện Chương trình “Sữa học đường” theo lộ trình của Kế hoạch. Phối hợp với Sở Tài chính quản lý, theo dõi, kiểm tra việc phân bổ và sử dụng kinh phí trong ngân sách và nguồn xã hội hóa của chương trình “Sữa học đường”; có biện pháp quản lý, chấn chỉnh kịp thời nếu phát hiện sai trái. Phối hợp với Sở Y tế tổ chức đánh giá đầu vào (chiều cao, cân nặng trẻ) của chương trình làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch cuối kỳ); UBND huyện Bác Ái và UBND các xã thuộc huyện Bác Ái (phối hợp, tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình “Sữa học đường” tại địa phương, chủ động tích cực huy động thêm nguồn lực để thực hiện công tác phòng chống suy dinh dưỡng có hiệu quả, vận động xã hội hoá cho đối tượng gia đình khó khăn); Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bác Ái (chịu trách nhiệm triển khai và hướng dẫn các trường mầm non, trường mẫu giáo lập danh sách chi tiết số lượng trẻ ra lớp tại đơn vị tham gia Chương trình hằng năm; cung cấp kịp thời thông tin giao nhận sữa về các trường để các trường bố trí nhân lực nhận sữa đúng hạn. Chỉ đạo các trường hoặc trực tiếp bố trí địa điểm kho, nhân lực để quản lý, bảo quản sữa an toàn). Các trường mầm non, trường mẫu giáo thuộc huyện Bác Ái (triển khai cho trẻ uống sữa tại trường; tiếp nhận, phân phối và phân công cán bộ Y tế trường học phối hợp cùng giáo viên chịu trách nhiệm cho trẻ uống sữa đảm bảo đủ số lượng, số lần, đúng giờ và an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình uống. Theo dõi, giám sát, thống kê và đánh giá chỉ số sức khỏe của trẻ định kỳ trước, trong và sau khi kết thúc năm học theo quy định của Chương trình giáo dục mầm non). Đơn vị cung cấp sữa (hỗ trợ các trường mầm non, trường mẫu giáo về trang thiết bị như: giá, kệ, tủ để chứa hàng và bảo quản hàng tại các điểm trường. Giao hàng theo nội dung hợp đồng, số lượng đặt hàng và phù hợp với đặc điểm địa hình của từng trường. Chịu trách nhiệm vận chuyển, giao hàng theo từng trường và điểm trường (nếu địa hình thuận tiện)./.

Tin liên quan

Tin mới nhất

KẾ HOẠCH Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2024(12/04/2024 8:45 SA)

BÁO CÁO Tình hình thực hiện cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm...(11/03/2024 9:05 SA)

KẾ HOẠCH Hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện Thuận Bắc năm 2024(31/01/2024 2:45 CH)